xuân cảnh

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì

Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi
Khách lai bất vấn nhân gian sự
Cộng ỷ lan can khán thúy vi

- Sơ tổ Trúc Lâm Phật hoàng Trần Nhân Tông



Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày
Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế
Cùng tựa lan can nhìn núi mây

- bản dịch của Nguyễn Huệ Chi 


Trần Nhân Tông (1258 - 1308) là vị vua thứ ba của nhà Trần nước Đại Việt. Ngài tuy ở vị trí quyền quý mà tính tình hiền từ, hoà nhã, tâm để nơi kinh Phật, không màng danh vọng. Ngài có tính hiếu học, tinh thông Tam giáo Phật-Lão-Nho, đồng thời được đào tạo ở nhiều lĩnh vực như quân sự, âm nhạc, lịch số học, thiên văn học và cả y học.


Năm 16 tuổi khi được lập làm Hoàng thái tử, Ngài đã cố từ để nhường lại cho em trai là Tá Thiên vương Trần Đức Việp, mà vua cha không đồng ý. 


Năm 21 tuổi, Trần Nhân Tông lên ngôi, lấy niên hiệu là Thiệu Bảo, lúc này nền độc lập Đại Việt đang bị giặc phương Bắc đe dọa. dưới triều đại vua Trần Nhân Tông có hai cuộc hội nghị nổi tiếng được ghi vào sử sách là hội nghị các tướng lãnh ở Bình Than và hội nghị những bô lão trong cả nước ở Diên Hồng. Hiểu được lòng dân, vua Trần Nhân Tông đã hai lần đánh bại cuộc xâm lăng của quân Nguyên Mông (1285, 1288), giữ yên bờ cõi. 


Năm 41 tuổi, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là  Thái tử Trần Thuyên – tức vua Trần Anh Tông, Trần Nhân Tông lên làm Thái Thượng Hoàng. Sau đó, Ngài xuất gia, lập Ngự Dược Am trong núi Yên Tử, chuyên tâm tu tập theo hạnh đầu đà, khổ hạnh. 


Ngài đã dung hợp ba dòng thiền đã có ở Việt Nam từ trước là Tỳ ni Đa lưu chi, Vô Ngôn Thông, và Thảo Đường thành dòng thiền mới với tinh thần nhập thế. Buổi đầu Ngài lấy hiệu là Hương Vân. Hương Vân là mây thơm, mây thì bay muôn phương và che mát cho chúng sanh khắp chốn. nếu cần bóng râm, mây kết tụ lại che bớt sức nóng của mặt trời. Nếu cần mưa, mây kéo lại dày hơn, đen kịt, tuôn nước xuống rưới khắp mọi nơi. Nếu không cần bóng râm, không cần nước mưa thì mây là mây, thênh thang cùng trời đất. 

Về sau, Ngài sau đổi là Trúc Lâm Đầu-đà. Tên Trúc Lâm này cũng là hiệu của Quốc Sư Trúc Lâm-Viên Chứng, một bậc Thiền Tổ đã khai thị cho vua Trần Thái Tông (1225-1258), vị vua đầu tiên của nhà Trần. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời từ đó và Ngài trở thành Sơ Tổ.


Năm 51 tuổi, Ngài làm lễ truyền đăng, trao y bát Giáo chủ Thiền Tông Trúc Lâm cho Pháp Loa, vị Tổ thứ hai, và viên tịch trên đỉnh Ngọa Vân, núi Yên Tử.

Spring Morning at the New Yoshiwara, from the Famous Places in Edo series, 

by Utagawa Hiroshige (Japanese, 1797–1858)



Nhận xét