có và bị có

Đây là một bài viết tản mạn của BCG gửi cho T vào năm 2017.

Lâu lắm rồi, hồi BCG còn đi nghe pháp ở Thiền viện Vạn Hạnh, có nghe Thầy kể một truyện như vầy. 

Có hai chị em sinh đôi đến xin làm việc nhà cho một nhà kia. một cô tên là Bạch, cô kia tên là Hắc. Ông chủ interview hai cô xong thì quyết định chỉ nhận cô Bạch thôi, không nhận cô Hắc. Cô Bạch nói không được, ông nhận tôi thì phải nhận luôn cả em Hắc tôi, tôi mới chịu. Ông chủ không biết làm sao.   

Trên thực tế, trong đời luôn luôn có những tình huống như vậy. Như bàn tay vậy đó. Một mặt là lòng bàn tay (Bạch), thì mặt kia là lưng bàn tay (Hắc). Huy chương hay mặt dây chuyền cũng vậy, đều có mặt phải huy hoàng và mặt trái đơn giản (hiếm khi có mặt dây chuyền có 2 mặt y nhau như mặt dây chuyền A Di Đà Phật mà BCG đang đeo). 

Thành ra lúc nào mình cũng phải cân nhắc trước khi quyết định CÓ cái gì sao? Vì CÓ (mặt phải) luôn đi kèm với cái BỊ CÓ (mặt trái). Vậy nếu mình càng CÓ nhiều thì tức là mình cũng BỊ CÓ nhiều đấy.

Thí dụ trước khi quyết định CÓ CHỒNG, phải nhớ là mình sẽ BỊ CÓ NHIỀU CÁI KHÔNG PHẢI CHỒNG (thí dụ ba chồng, má chồng, chị chồng, em chồng ...)

Một minimialist thì sao nhỉ? Họ giảm thiểu cái CÓ thì họ sẽ cũng sẽ được giảm thiểu CÁI BỊ CÓ, phải vậy không?

Năm 2017 là năm T 28 tuổi. Hình như lúc đó T thuê trọ một mình trên đường Tô Ngọc Vân: sáng đi làm ở trường, chiều ghé quán ăn cơm, tối nằm phơi bụng ngủ, thỉnh thoảng cuối tuần bắt xe ôm đi chơi khắp nơi. Vô cùng tự lo và tự do. 

Có những hôm quên chìa khóa cửa, T chẳng nhờ (được) ai, tự mình bắc ghế, vặn ốc, tháo bung khung sắt cửa sổ mà trèo vào nhà. Trong nhà chẳng có gì cả. Trong lòng cũng chẳng có ai cả.

Thiên hướng của T là thích ở một mình. Vậy mà BCG hình như cứ canh cánh trong lòng là rồi đây T sẽ men theo lối mòn mà theo chồng bỏ cuộc chơi. BCG lo lắm.

T thì không lo lắm, vốn dĩ là T không "mết" cái bộ môn này. 

  • Thứ nhất, T vừa hèn vừa lười. Chỉ riêng những chuyện căn cơ không thể không làm trong đời mà T đã cảm thấy là làm không nổi. Những gì không nhất thiết phải làm thì hầu như T không muốn làm. Tình yêu - hôn nhân - gia đình chính là một thứ như vậy.
  • Thứ hai, T chưa từng nhìn thấy case study tình yêu - hôn nhân - gia đình nào đủ hạnh phúc để truyền cảm hứng. T thấy phong thuỷ của cái mạn này lành ít dữ nhiều. 
  • Thứ ba, ngoài cái phong thuỷ chung đó ra, thì còn có cái phong thuỷ riêng là T không cảm thấy là trên đời này sẽ có ai đó hợp với mình đủ để cả hai có thể chung sống hạnh phúc ở mức độ cao. Mà hạnh phúc ở mức độ không cao thì chắc T thèm vào?

Rồi năm T 30 tuổi, Jumbo ở đâu bất thình lình nhảy bổ vào đời T. Chỉ sau ít ngày thì Jumbo ngỏ lời hỏi cưới. T hết lời can ngăn. 

Chẳng phải là chúng ta đang yên đang lành sao? Xét về chất lượng cuộc sống, nếu Jumbo có 8 nút thì T cũng có 8 nút. Tuy không 9 nút 3 cào nhưng tính ra vẫn là hai tụ bài khá. Bây giờ, khi không, hai tên lại bàn nhau gộp bài chia lại, chẳng may không được 3 cào mà lại "được" hẳn 3 nút thì còn ra cái thể thống gì? Với số nút hiện tại của cả hai, nếu chia bài lại thì xác suất có thể "cải thiện điểm" lên mức 9 mức 10 sẽ dễ thấp hơn xác suất có thể bị kéo điểm xuống mức 1 2 3 4 5 6 7. Chi bằng, bây giờ chúng ta ai về nhà nấy, an phận thủ thường, mỗi người tiếp tục hoằng dương chương trình ‘’ở vậy cho vui”. Hoặc là cho xong. Safety first.

T tự đánh giá phần trình bày của mình là rõ ràng và hợp lý. 10 điểm. Jumbo cũng gật gù tâm đắc. Vì T chỉ nói sự thật! Ấy vậy mà, hai tên cũng lấy nhau. 

Xào xào xáo xáo, chia bài lại chơi từ đầu. Kết quả sẽ ra sao?

Benkei Bridge at Akasaka 

by Kawase Hasui (Japanese, 1883–1957)



Nhận xét